Khoai tây có thể giúp giảm mỡ bụng vì chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất. Tuy nhiên, cần phải có cách chế biến và kết hợp với một chế độ ăn lành mạnh.
Khoai tây chứa một lượng kali tốt cũng như hàm lượng chất xơ giúp điều chỉnh quá trình tiêu hóa và loại bỏ cholesterol. Đây là thực phẩm cung cấp vitamin A, C và chứa carbohydrate phức tạp, đảm bảo giải phóng năng lượng chậm trong hệ tiêu hóa. Do đó hỗ trợ làm tăng quá trình trao đổi chất của cơ thể, đốt cháy mỡ thừa nhanh chóng, nhất là để giảm mỡ bụng. Khoai tây cũng được xếp hạng thấp về chỉ số hạ đường huyết nên có thể là lựa chọn cho người mắc bệnh tiểu đường.
Trong 100g khoai tây sống sẽ có khoảng 77 calo nhưng tùy thuộc vào cách chế biến mà hàm lượng calo sẽ khác nhau. Những người đang bước vào quá trình giảm cân, chỉ nên dùng khoai tây luộc thay thế cho các loại thức ăn nhanh có nhiều mỡ và muối dễ gây tăng cân, tích nước. Khoai tây luộc tạo được cảm giác no lâu hơn và giảm cảm giác của những cơn thèm ăn vì có chứa chất xơ và protein.
Khi sử dụng khoai tây để giảm cân chỉ chế biến theo cách luộc hoặc hấp vì trong 100g khoai tây luộc hoặc hấp chứa khoảng 87 calo. Nhưng cũng 100g khoai tây chiên thì có tới 312 calo; 100g khoai tây xào chứa khoảng 160 – 180 calo tùy vào nguyên liệu đi kèm và cách nêm gia vị.
Nhưng ở đây, cần hiểu rõ chế độ ăn kiêng với khoai tây có thể hiệu quả để giảm cân trong thời gian ngắn, nhưng đó không phải là giải pháp lâu dài. Nếu muốn đưa khoai tây vào chế độ ăn kiêng thì chú ý: Chỉ ăn khoai tây nấu chín từ 3 - 5 ngày; không ăn bất kỳ loại thực phẩm nào, gồm cả gia vị và nước sốt như tương cà, bơ, kem chua, pho mát; hạn chế sử dụng muối… Bên cạnh đó, khi ăn kiêng với khoai tây cũng có thể bị giảm một khối lượng cơ đáng kể.
Tổng hợp từ HEALTHIFYME & TIMESOFINDIA