Dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng đối với lứa tuổi học đường quyết định sự phát triển thể lực, trí tuệ, tầm vóc và khả năng học tập của trẻ

Dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe và trí tuệ. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể trong các giai đoạn khác nhau của chu kỳ vòng đời sẽ tạo ra sự tăng trưởng và phát triển tối ưu. Đặc biệt, đối với lứa tuổi học đường chế độ dinh dưỡng quyết định sự phát triển thể lực, trí tuệ, tầm vóc và khả năng học tập của trẻ.

TS Nguyễn Thị Hương Lan, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho rằng, để xây dựng thực đơn dinh dưỡng hợp lý cho trẻ tại nhà trường, thực đơn phải dựa vào nhu cầu năng lượng của từng lứa tuổi. Ví dụ ở độ tuổi học đường, trẻ mầm non, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông, từng lứa tuổi lại có những chỉ số riêng. Mỗi bữa ăn cho trẻ phải đa dạng để có đủ dinh dưỡng cho sự tăng trưởng về thể lực, phát triển về trí não và sức khỏe. Muốn trẻ phát triển toàn diện về thể lực, các bậc phụ huynh cần tập trung vào việc cung cấp dinh dưỡng trong các bữa ăn. Ngoài bữa ăn ở nhà, bữa ăn ở trường rất quan trọng.
 
Để tăng chiều cao tối ưu nhất cho trẻ, theo TS Nguyễn Thị Hương Lan, các bậc phụ huynh cần chú ý tới 3 giai đoạn vàng trong quá trình phát triển là giai đoạn bé ở trong bụng mẹ; giai đoạn hai năm đầu đời; giai đoạn khi trẻ bắt đầu dậy thì. Đặc biệt, trong giai đoạn thứ 3 (thời gian ở học đường), một chế độ dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực thích hợp sẽ tạo điều kiện cho trẻ có chiều cao vượt bậc. Trong chế độ dinh dưỡng, trẻ cần được ăn đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng protid (chất đạm), gluxit (chất đường) lipip (chất béo), vitamin và muối khoáng. Ngoài các chất dinh dưỡng trên, trẻ phải được bổ sung nhóm canxi (giúp xương chắc, khỏe) và vitamin D. Những thực phẩm chứa nhiều canxi như trứng, tôm, cua, cá và thực phẩm bổ sung canxi nhiều nhất đó là sữa và các chế phẩm từ sữa. Vitamin D có vai trò quan trọng vì nó giúp hấp thu canxi có trong sữa. Bên cạnh yếu tố dinh dưỡng, việc cho trẻ đi ngủ sớm cũng là một yếu tố tăng cường chiều cao lý tưởng ở trẻ. Trẻ nên bắt đầu đi ngủ trước 10 giờ tối bởi trẻ ngủ sâu giấc, hoóc-môn tăng trưởng ở trẻ tiết ra ở khung thời gian từ 10 đến 12 giờ. Đối với hoạt động thể lực, các bậc phụ huynh nên khuyến khích các con chơi các môn thể như bơi lội, bóng rổ…
 
Không chỉ vậy, TS Nguyễn Thị Hương Lan phân tích, nhiều nghiên cứu cho thấy, chiều cao của trẻ phụ thuộc 20 % vào di truyền, 80 % là yếu tố dinh dưỡng và hoạt động thể lực. Trong 20% thuộc về yếu tố di truyền, các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng nếu các điều kiện sống như dinh dưỡng, môi trường không thỏa mãn thì sự phát triển cũng sẽ không tương xứng so với tiềm năng di truyền đã đặt ra. Với các yếu tố ngoại cảnh thì dinh dưỡng và bệnh tật đóng vai trò quyết định đến chiều cao của trẻ. Nếu trẻ có chế độ ăn đủ, cân đối sẽ giúp việc tăng trưởng chiều cao một cách tối đa.
 
Để xây dựng thực đơn dinh dưỡng cho trẻ ở trường, TS Nguyễn Thị Hương Lan khuyến cáo, cần dựa vào nhu cầu của từng lứa tuổi để đưa ra mức năng lượng hợp lý. Có nghĩa là suất ăn của một trẻ mẫu giáo, lớp 1 phải khác với suất ăn của trẻ học lớp 2, lớp 3, lớp 4 và càng khác với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông. Chế độ ăn học đường phải đầy đủ chất dinh dưỡng. Để hạn chế và dự phòng những bệnh mãn tính không lây, trong đó có bệnh thừa cân, béo phì phải cân đối các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn. Ăn quá nhiều chất béo, hay tinh bột cũng đều có khả năng gây thừa cân, béo phì. Đặc biệt, nhà trường cần xây dựng thực đơn phong phú, đa dạng có đầy đủ các thực phẩm thì mới kích thích được trẻ trong bữa ăn, hạn chế việc trẻ ăn vặt. Bên cạnh đó, cần dựa vào thực trạng học sinh của trường, nhà trường cân đối thực đơn trong tuần. Nếu trường có nhiều trẻ thừa cân, béo phì cần phải hạn chế các món xào, rán, tăng cường các món luộc, hấp. Nếu có nhiều học sinh suy dinh dưỡng thì bổ sung thêm chất béo, nghiêng về các thực phẩm được chế biến như xào có thêm dầu ăn, mỡ động vật. Bên cạnh đó, phải dựa vào mức tiền của các gia đình để cân đối đầy đủ các nhóm thực phẩm, bảo đảm dinh dưỡng cho bữa ăn của các em. Thực đơn cũng phải phụ thuộc vào lượng trẻ ăn. Ví dụ trẻ ăn được, cho trẻ ăn đúng khẩu phần. Với trẻ ăn ít, cô có thể bớt đi một chút, tránh tình trạng trẻ bỏ thừa hay cho bạn ăn hộ, vì những cháu ăn được sẽ lại thừa cân.
 
TS Nguyễn Thị Hương Lan lưu ý, ngoài ra việc an toàn thực phẩm trong bữa ăn cũng rất quan trọng. Nhà trường cần phải kiểm soát nguồn thực phẩm. An toàn thực phẩm gồm có từ lúc nhập thực phẩm, chế biến, rồi đưa suất ăn đến trẻ. Khâu nào cũng cần phải giám sát chặt chẽ để tránh xảy ra ngộ độc ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của học sinh...
 

Thắng Đạt

© SIC 2021 - All rights reserved.