Hướng dẫn tập luyện

Dấu hiệu nhận biết bạn đang tập thể thao quá sức

Lứa tuổi: 12 - 19, 20 - 29, 30 - 39, 40 - 49, 50 - 59

Tập thể dục thể thao  có lợi cho sức khỏe tim mạch, sức khỏe xương, kiểm soát cân nặng, tâm trạng và cảm xúc… Tuy nhiên, tập thể thao quá sức sẽ phản tác dụng và có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.

1. Thế nào là tập thể thao quá sức?

Tập thể thao quá sức là tập luyện nhiều hơn mức bình thường. BS.Nguyễn Trọng Thủy- Nguyên Bác sĩ Đội tuyển bóng đá nam Quốc gia và U23 Việt Nam cho biết, thông thường người trưởng thành, nên dành khoảng 5 giờ cho các các bài tập luyện ở cường độ trung bình và khoảng 2,5 giờ cho các bài tập cường độ cao/tuần.

Tập thể thao quá sức thường gặp ở những người từ hoàn toàn không tập đến tập luyện quá mức để lấy lại vóc dáng hoặc giảm cân. 

Dấu hiệu tập thể thao quá sức thường là:

- Đau nhức cơ bắp kéo dài: Đau nhức cơ bắp sau khi tập luyện sẽ kéo dài 3 ngày, nhiều nhất là 4 ngày.

- Phản ứng miễn dịch giảm: Bị ốm nhiều hơn bình thường.

- Chấn thương thường xuyên hoặc tái phát.

- Kiệt sức, liên tục mệt mỏi, khó chịu và thiếu năng lượng.

- Mệt mỏi sớm khi tập luyện.

- Không phục hồi trở lại sau khi tập luyện.

- Tăng nhịp tim khi nghỉ ngơi: Tập thể thao thường xuyên sẽ làm giảm nhịp tim khi nghỉ ngơi, nhưng tập quá mức lại có tác dụng ngược lại.

- Cảm thấy lo lắng và hồi hộp khi nghĩ đến việc bỏ lỡ một buổi tập luyện.

2. Những tác hại của tập thể thao quá sức

BS. Nguyễn Trọng Thủy cho hay, tập thể thao quá sức rất nguy hiểm vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người tập.

Hệ lụy tập thể thao quá sức trong thời gian ngắn

- Tập thể thao quá sức có thể tác động đến tâm trạng và năng lượng khiến người tập khó chịu, tức giận, khó ngủ, khó khăn trong học tập hoặc làm việc, thiếu hứng thú với những sở thích bình thường của mình. 

- Tăng nhịp tim khi nghỉ ngơi.

- Mất/thay đổi cảm giác thèm ăn hoặc thay đổi tâm trạng. 

- Rối loạn giấc ngủ.

- Làm tăng nguy cơ chấn thương, như gãy xương do căng thẳng, căng cơ, đau khớp, viêm gân và viêm bao hoạt dịch.

Hệ lụy tập thể thao quá sức trong thời gian dài

Về lâu dài, tập thể dục quá sức có thể gây:

- Tiêu cơ vân: Tiêu cơ vân có thể xảy ra khi tập luyện quá nhiều. Tiêu cơ vân là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, có khả năng gây tử vong, trong đó các mô cơ bị tổn thương sẽ giải phóng protein và chất điện giải vào máu, từ đó có thể gây hại cho tim và thận.

- Ở nữ giới có thể bị mất kinh hoặc loãng xương sớm khi tập thể dục quá sức liên tục. 

- Ở nam giới có thể bị giảm ham muốn tình dục.

- Tập thể thao quá sức cũng có thể làm tổn hại đến hệ thống miễn dịch, đặc biệt khi tập các bài tập sức bền như chạy marathon hoặc tập gym cường độ cao.

- Tập thể thao quá sức làm trầm trọng thêm tình trạng trầm cảm, lo lắng...

3. Làm thế nào để tránh tập quá sức?

Để tránh tập thể thao quá sức, BS. Nguyễn Trọng Thủy khuyến cáo người tập nên thực hiện:

- Nghỉ ngơi: Nghỉ tập hoàn toàn từ 1 đến 2 tuần, thời gian này có thể đủ lâu để tâm trạng, mức năng lượng và động lực trở lại bình thường. Nếu sau khi nghỉ ngơi, người tập vẫn gặp phải các triệu chứng tập luyện quá sức, nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra và chỉ định hướng giải quyết.

- Ăn đủ dinh dưỡng: Cần có chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng.

- Uống đủ nước: Hydrat hóa rất quan trọng đối với cơ thể, do đó cần bổ sung đủ nước khi tập thể dục. 

- Ngủ đủ giấc: Ngủ nhiều vào ban đêm giúp đảm bảo cơ thể có đủ năng lượng cần thiết để hoàn thành các bài tập luyện. Nên ngủ từ 7 đến 8 giờ mỗi đêm.

- Dành thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi: Nên nghỉ tập luyện ít nhất một ngày mỗi tuần và nghỉ ít nhất 6 giờ giữa các buổi tập để cơ thể được phục hồi.

- Tránh tập thể thao ở nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.

Nguyễn Châu

© SIC 2021 - All rights reserved.