Tư thế cây cầu trong yoga là một trong 3 động tác tăng cường sức mạnh cơ lõi mà Trường Y Harvard khuyên bạn nên thử. Nó cũng giúp giảm đau lưng dưới, mở ngực, kéo giãn cột sống lưng…
Khi chúng ta già đi, ngay cả một cú ngã nhẹ cũng có thể khiến bạn suy nhược. Vì thế, để phòng ngừa điều này trong tương lai, bạn cần thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh cơ lõi. Cơ bụng, lưng, xương chậu và mông khỏe mạnh, được gọi là cơ lõi, có thể giúp bạn duy trì tư thế tốt và cải thiện sự cân bằng.
Theo WebMD, yoga là một hoạt động của trí óc và cơ thể giúp bạn thực hiện một loạt các tư thế để cải thiện sự linh hoạt, sức mạnh và sự cân bằng. Loại bài tập này có tác dụng làm dịu và cũng có lợi cho sức khỏe tim mạch của bạn.
Ví dụ, tư thế cây cầu có nhiều lợi ích từ việc giảm đau lưng dưới đến tư thế kéo giãn ít tác động để điều trị loãng xương.
Tư thế cây cầu là gì?
Tư thế cây cầu, còn được gọi là setu bandha, là tư thế uốn cong lưng nhằm mở ngực và căng duỗi mặt trước của cơ thể (cơ đùi trước, hông, bụng, ngực). Đây là tư thế dành cho người mới bắt đầu tập yoga, thường được thực hiện vào cuối buổi tập yoga.
Tư thế này là một trong hai tư thế uốn cong lưng trong một chuỗi cơ bản, tư thế còn lại là rắn hổ mang.
Tư thế cây cầu tác động đến những cơ nào?
Đối với tư thế cây cầu, các cơ được sử dụng chủ yếu ở lưng. Tư thế này giúp tăng cường cơ lưng, mông và gân kheo, đồng thời cũng có thể làm giảm căng thẳng và mệt mỏi ở lưng của bạn.
Trong khi tư thế này giúp tăng cường sức mạnh cho lưng, nó cũng kéo căng ngực, cổ và cột sống. Việc cong người lên giúp mở ngực và làm dịu não của bạn. Động tác yoga thiết yếu này có lợi cho nhiều bộ phận trên cơ thể bạn.
Cách thực hiện tư thế cây cầu
Để thực hiện tư thế cây cầu:
- Bắt đầu bằng cách nằm ngửa.
- Đặt hai bàn chân phẳng trên sàn, rộng bằng vai và giữ đầu gối cong.
- Đặt hai tay xuôi hai bên người, lòng bàn tay úp xuống sàn.
- Hít vào, ấn gót chân xuống sàn và nâng hông lên khỏi sàn cao nhất có thể hoặc cho đến khi chúng thẳng hàng với vai và đầu gối, siết chặt cơ bụng và mông, đảm bảo đầu, cổ và vai của bạn nằm thẳng trên sàn.
Hít thở sâu và giữ nguyên trong năm giây, sau đó trở lại vị trí bắt đầu, thở ra trong khi hạ hông xuống đất.
- Thực hiện động tác này từ 8 đến 12 lần, nghỉ 30 đến 90 giây và lặp lại toàn bộ động tác.
Trong khi giữ tư thế, có một số lựa chọn cho tay của bạn. Bạn có thể giữ lòng bàn tay úp trên mặt đất. Để thử thách hơn, bạn có thể đan các ngón tay vào nhau và đẩy tay xuống sàn để nâng thân mình lên cao hơn một chút.
Các biến thể của tư thế cây cầu
Tư thế cây cầu là một động tác cơ bản. Tuy nhiên, các biến thể của tư thế cây cầu có thể được điều chỉnh để trở nên khó hơn hoặc ít vất vả hơn.
Các tư thế giúp bạn chuẩn bị cho tư thế cây cầu bao gồm tư thế rắn hổ mang, tư thế đứng uốn cong về phía sau, tư thế con mèo - con bò. Tư thế tiếp theo của tư thế cây cầu và tận dụng tối đa các động tác này bao gồm tư thế bánh xe hoàn chỉnh, tư thế đứng bằng vai.
Để hỗ trợ phần lưng dưới tốt hơn, bạn có thể dùng tay để đỡ phần lưng dưới, giữ khủyu tay trên mặt đất. Bạn vẫn sẽ nhận được sự kích thích và giảm đau từ động tác này. Động tác này có thể giúp bạn tăng cường cơ bắp và cải thiện khả năng giữ thăng bằng.
Lợi ích của tư thế cây cầu trong yoga
Có rất nhiều lợi ích khi tập yoga như giúp bạn có tư thế tốt hơn, cải thiện khả năng giữ thăng bằng và phối hợp. Bạn cũng sẽ có phạm vi chuyển động tốt hơn, tăng sức mạnh và giảm mức độ lo lắng.
Lợi ích của tư thế cây cầu nói riêng bao gồm cải thiện sức khỏe tim mạch và lợi ích về mặt cảm xúc.
- Trẻ em: Yoga có nhiều lợi ích cho trẻ em. Hoạt động này giúp cải thiện khả năng tập trung, hiểu biết và trí nhớ của trẻ em. Hoạt động chánh niệm này mang đến cho trẻ em không gian để suy ngẫm và hiểu về quá trình học tập theo cảm xúc.
Tư thế cây cầu là một động tác dễ thực hành cho trẻ em ở nhà hoặc trong môi trường tập thể dục.
- Loãng xương: Tư thế cây cầu có thể giúp cải thiện tư thế của bạn, giảm đau do loãng xương. Cơ lõi khỏe và sự cân bằng được cải thiện cũng giúp giảm nguy cơ té ngã, đây là nguyên nhân chính gây ra gãy xương do loãng xương.
- Đau lưng dưới: Tư thế này có thể giúp giảm đau lưng dưới, đau thần kinh tọa và cứng lưng, đùi, hông và mắt cá chân. Giữ tư thế này trong vài nhịp và lặp lại từ 8 đến 10 lần có thể giúp ích trong thời kỳ kinh nguyệt và mang thai.
- Độ dẻo dai của hông: Yoga đã được chứng minh là cải thiện độ dẻo dai ở các nhóm cơ chính xung quanh hông.
Các cơ mà bạn đang tăng cường với tư thế này bao gồm cơ bụng, lưng và cơ tứ đầu đùi. Các cơ này giúp duy trì phạm vi chuyển động của hông, giúp bạn dễ dàng thực hiện các hoạt động như đi bộ, đứng và leo cầu thang hơn.
Những điều cần tránh khi thực hiện tư thế cây cầu
Mặc dù tư thế cây cầu là tư thế tương đối đơn giản và dễ thực hiện, nhưng có những lý do khiến bạn không nên đưa tư thế này vào chuỗi động tác yoga của mình. Nếu bạn đang phải đối mặt với bất kỳ loại chấn thương cổ hoặc lưng nào, bạn nên tránh uốn cong cơ thể thành tư thế cây cầu.
Chuyển động của tư thế này sẽ làm căng cổ và lưng của bạn và có thể gây thêm tổn thương hoặc khiến vết thương của bạn không lành lại. Bạn hãy tránh bất kỳ tư thế yoga nào gây căng thẳng cho các vùng này cho đến khi bạn hoàn toàn bình phục và được bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu cho phép.
Theo Dân trí