Hướng dẫn tập luyện

3 bài tập thể dục tốt cho người suy giãn tĩnh mạch

Lứa tuổi: 30 - 39, 40 - 49, 50 - 59

Theo các bác sĩ chuyên khoa xương khớp, ước tính khoảng 25 - 35% dân số Việt Nam mắc bệnh suy tĩnh mạch chân, phần lớn bệnh nhân là nữ từ 35 tuổi trở lên và thường trở thành một bệnh lý mạn tính.

Do đó, bên cạnh việc dùng thuốc, những người mắc bệnh này cần có một phương pháp tập luyện thích hợp và thường xuyên thì bệnh mới mau thuyên giảm.

Không nên bỏ qua các triệu chứng

Biểu hiện ban đầu của bệnh là hay bị chuột rút, phù quanh mắt cá, mỏi chân, căng tức bắp chân… khiến người bệnh cho rằng không quan trọng, dễ bỏ qua. Có đến 77,6% các bệnh nhân không biết mình mắc bệnh. Suy giãn tĩnh mạch chân mạn tính thường ít nguy hiểm nhưng sẽ gây cho người mắc bệnh cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, biến chứng của bệnh này là sự hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch, các cục máu này có thể gây tắc mạch máu tại chỗ hoặc di chuyển theo dòng máu và gây tắc mạch chỗ khác, trong đó nguy hiểm nhất là tắc mạch phổi, có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Vì vậy, theo khuyến cáo của bác sĩ, cần duy trì những bài tập thể dục để phòng ngừa bệnh suy giãn tĩnh mạch chân và khi thấy chi dưới có nhiều tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo, người bệnh cần đi siêu âm để chẩn đoán sớm và hỗ trợ điều trị kịp thời.

Những bài tập thể dục tốt cho bệnh suy giãn tĩnh mạch chân:

1. Những bài tập khi nằm

Bài tập 1a: Nằm dưới một tấm thảm có độ dày vừa phải, tay để xuôi theo thân người, có thể úp hoặc ngửa lòng bàn tay, áp sát hai bên hông, sau đó nâng một chân cao lên, gập chân 45 độ, thả chân xuống, đổi chân, mỗi nhịp giơ co chân lên thì hít thật sâu, khi duỗi chân đặt xuống thì thở từ từ ra. Tập như thế mỗi chân khoảng 20 lần, mỗi ngày tập 2 lần, sáng và tối.

Bài tập 1b: Nằm ngửa như trên, sau đó đưa chân cao (thẳng chân) gập chân xuống người, hít vào khi giơ gập chân, thở ra khi hạ xuống.

2. Những bài tập khi ngồi

Bài tập 2a: Khi ngồi làm việc, bạn đặt chân vuông góc với ghế, sao cho mặt phía dưới đùi không đè nén sát với mặt ghế, cứ mỗi 5-10 phút xoay cổ chân một lần, tránh máu dồn và ứ đọng ở cổ và bàn chân.

Bài tập 2b: Cũng như trên, thường xuyên co duỗi hai chân, bài tập này giúp máu lưu thông tốt hơn, tạo lực giúp máu đi về tim dễ dàng hơn.

Mỗi 20-30 phút bạn nên đứng dậy đi lại để máu vùng chậu - mông lưu thông, tốt nhất nên mặc quần có độ co giãn tốt, mềm và thoáng khí.

Khi máu lưu thông tốt, sẽ hạn chế máu ứ đọng ở chân, vì thế giảm được tình trạng bệnh suy giãn tĩnh mạch chân.

3. Những bài tập khi đứng

Khi phải đứng nhiều, bạn nên đi lại thường xuyên, tránh đứng lâu ở một tư thế, tốt nhất là nên đứng trên 2 chân.

Bài tập 3a: Đứng thẳng, hai chân dang bằng vai, đưa 2 tay ra trước, hạ người (gập chân), đứng dậy, lặp lại động tác khoảng 20 lần.

Bài tập 3b: Đưa 1 chân về phía trước, gập chân vuông góc, dùng hai tay ôm lấy đầu gối, gập chân lên xuống đều đặn, xoay cổ chân, đổi chân và lặp lại, mỗi chân khoảng 20 lần (tập tới khi chân hết căng nặng).

Bạn cũng có thể linh hoạt tập các bài tập với những động tác tương tự, để chân được vận động và giúp máu lưu thông tốt, những bài tập tốt cho suy giãn tĩnh mạch chân nên được tập thường xuyên mỗi ngày, hãy dành ra 30 phút mỗi ngày để tập luyện, chúng sẽ giúp ích rất nhiều cho sức khỏe của bạn.

Đồng thời, bạn nên có chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều chất xơ, rau củ, trái cây để hỗ trợ điều trị suy giãn tĩnh mạch chân một cách tốt nhất.

An Ngọc

© SIC 2021 - All rights reserved.