Ước tính cho thấy có khoảng 10% các VĐV từng mắc COVID vẫn chịu ảnh hưởng từ virus với các cấp độ nặng nhẹ khác nhau. Một nghiên cứu gần đây phát hiện có đến gần một nửa những triathlete mắc COVID vẫn còn triệu chứng mệt mỏi, khó thở trong 10 tuần sau khi phát bệnh, và phần lớn trong số họ không thể vận động một cách bình thường như trước. Trong khi đó, một nghiên cứu khác ở Trung Quốc cho thấy những ca bệnh nhập viện vẫn cho thấy ít nhất một triệu chứng COVID 6 tháng sau khi bắt đầu điều trị.
Những trở ngại lớn nhất xoay quanh ảnh hưởng lâu dài của COVID là sự thiếu hụt kiến thức về virus này cũng như những biểu hiện triệu chứng bệnh rõ ràng. Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau mỏi và thở dốc do mất ngủ cũng như rối loạn thần kinh. Các ảnh hưởng dài lâu của COVID cũng không phụ thuộc vào độ nghiêm trọng của lần phát bệnh ban đầu, khi mà nhiều ca nhiễm ban đầu chỉ xuất hiện các triệu chứng ở mức độ nhẹ và trung bình. Tuy nhiên, một bài phân tích gần đây cho thấy phụ nữ thường có rủi ro gặp phải những ảnh hưởng lâu dài gấp đôi nam giới.
Đối với các VĐV thể thao sức bền, COVID và những triệu chứng lâu dài của dịch bệnh, cùng với sự thiếu hụt về kiến thức khoa học khiến việc quay lại tập luyện vô cùng gian nan. Triathlete đồng thời là HLV kì cựu Matt Fitzgerald hiểu rõ vấn đề này hơn ai hết khi anh mắc bệnh vào tháng ba năm 2020. Hiện nay Fitzgerald vẫn gặp nhiều khó khăn với những cơn thở dốc, đau mỏi cơ khắp người, nhịp tim bất ổn, đầu óc nặng nề và hơn hết là sự mệt mỏi khi tập luyện thể thao. “Các triệu chứng liên tục đến rồi đi. Có những ngày tôi cảm thấy ổn hơn những ngày còn lại. Nhìn chung sức khỏe của tôi không có dấu hiệu tiến triển, nhưng cũng không thụt lùi”, anh chia sẻ. Fitzgerald cảm thấy mệt mỏi vào tháng ba khi đến Atlanta tham dự vòng tuyển chọn Olympic. Anh cảm thấy cơ thể mình đã hồi phục hoàn toàn sau đó. Tuy nhiên, sau một buổi chạy vào tháng 10 thì tình hình sức khỏe của anh ngày một tệ hơn. Fitzgerald cho biết nguyên nhân cũng có thể đến từ khói bụi sinh ra bởi những đợt cháy rừng ở bang California nơi anh sinh sống.
Là một triathlete hàng đầu nhưng lộ trình hồi phục của Matt Fitzgerald cũng khá gian nan
Fitzgerald cho biết tình trạng sức khỏe của anh thay đổi liên tục trong vài tháng vừa rồi. Bên cạnh các triệu chứng COVID, thứ làm anh rối trí nhất là sự thiếu hụt kiến thức trong việc chẩn đoán cũng điều trị. “Những bác sĩ tôi tìm đến thật vô dụng. Họ không tin rằng tôi mắc những triệu chứng lâu dài của COVID và cứ tìm cách chẩn đoán xem tôi gặp vấn đề gì. Tôi chắc chắn 90% là mình gặp phải những rối loạn về hệ thần kinh tự chủ, tuy nhiên triệu chứng này rất khó chẩn đoán vì chúng ta có quá ít kiến thức về chúng.”
Đối với trường hợp của bác sĩ Tamsin Lewis, người từng là triathlete vô địch Ironman, các kiến thức về y khoa đã giúp cô tránh được các triệu chứng lâu dài tồi tệ nhất của COVID. Trong bài phỏng vấn tháng tư năm 2020, Lewis cho biết cô vẫn có những triệu chứng nhiễm bệnh trong 9 tháng sau khi phát bệnh. Tuy nhiên, tin tốt lành là Lewis đã tìm ra cách để đẩy nhanh quá trình hồi phục của bản thân. “Điều tôi nhận ra là ảnh hưởng của COVID lên mỗi người rất khác nhau. Có một dạo tôi cảm thấy khỏe hơn, tuy nhiên trong một giai đoạn mà tôi làm việc nhiều, ngủ ít và tập thể dục nhiều, các triệu chứng quay trở lại. Tôi chỉ chạy vài dặm mà cứ tưởng mình sắp hết hơi”, Lewis cho biết. Các cơn mỏi cơ lặp lại khá nhiều thời, đồng thời cô bắt đầu có những triệu chứng liên quan đến dị ứng như sưng mặt khi ngủ dậy, hoặc mẫn cảm với nước hoa và nước xả vải. “Tôi bắt đầu uống thuốc dị ứng gần đây và chúng giúp thuyên giảm các cơn đau mỏi và sưng mặt”, Lewis cho biết.
Tuy triệu chứng tim đập dồn dập bắt đầu thuyên giảm, Lewis thỉnh thoảng vẫn cảm thấy nhói ngực, đặc biệt khi uống cà phê và đồ uống có cồn. Cô chia sẻ việc nhiễm COVID buộc bạn phải kiểm soát pace trong tất cả những hoạt động từ nhỏ đến lớn trong cuộc sống để hồi phục. “Có những ngày tôi muốn tập thể dục nhiều hơn một chút và thử ra ngoài chạy lên dốc, tuy nhiên tôi cảm thấy thật hụt hơi. Giờ tôi phải học cách dự trữ năng lượng, nếu không tôi sẽ lại cảm thấy thật tệ. Ngoài ra, tôi cũng theo dõi nghiêm ngặt chế độ ăn uống của mình, bao gồm những thực phẩm ít gây dị ứng. Sức khỏe đường ruột cũng đặc biệt quan trọng đối với những người mắc COVID vì nó ảnh hưởng đến rủi ro mắc phải những triệu chứng lâu dài, cũng như làm chậm quá trình điều trị”
Từ kinh nghiệm cá nhân, bác sĩ đồng thời là nhà vô địch Ironman Tamsin Lewis khuyên chúng ta nên dành thời gian nghỉ ngơi khi nhiễm COVID.
Cũng như những bệnh nhân COVID khác, Lewis tin tưởng rằng chìa khóa giúp hồi phục duy nhất là nghỉ ngơi. “Công việc duy nhất bạn cần làm là nghỉ ngơi. Bạn phải ưu tiên việc dưỡng sức trong quá trình hồi phục”, Lewis cho biết.
Tương tự với Lewis, triathlete Patty Brockman phát bệnh vào tháng ba năm 2020 nhưng chỉ bắt đầu hồi phục gần đây. Cô đã có hơn 10 tháng vật vã với những cơn ho, đau ngực, thở dốc, sốt cao và rối loạn chỉ số đường máu (GI index). Brockman phát bệnh với những cơn ho khan vào tháng ba, khi mà triathlete 61 tuổi nghĩ rằng mình chỉ hít phải nhiều bụi khi lau dọn tầng hầm. “Sáng hôm sau khi thức dậy, tôi cảm giác như có một chiếc xe bán tải đâm sầm vào mình. Cả cơ thể tôi cảm thấy thật đau”, cô cho biết. Chỉ số tim khi nghỉ ngơi (resting heart rate) của cô tăng từ 50 lên 70 nhịp/phút, và các cơn sốt hơn 38 độ kéo dài hơn hai ngày liền. Cô hoàn toàn không có cảm giác muốn ăn và chỉ uống nước. Các cơn đau đầu buốt não kéo dài liên tục, và da cô trở nên mẫn cảm một cách khác thường. Cô chỉ xét nghiệm và kết luận dương tính vào tháng năm. Tuy các triệu chứng bắt đầu thuyên giảm, đầu óc cô vẫn cảm thấy rất mụ mị như có một màn sương trong não.
“Khi những thông tin về COVID được phổ biến, tôi mới cảm thấy an tâm phần nào vì biết định chính xác mình đang gặp phải vấn đề gì. Tôi mất đi khả năng tập trung trước đó, và điều này làm tôi sợ phát khiếp. Tuy vẫn có vài khó khăn nhất định, nhưng hiện nay tôi đã đỡ hơn nhiều”. Là một VĐV và HLV triathlon, Brockman hiểu hơn ai hết lộ trình hồi phục cần phải chậm mà chắc. Tuy được bác sĩ cho phép tập luyện lại từ mua thu năm ngoái, những vấn đề liên quan đến tim mạch vẫn còn lẩn quẩn cho đến bây giờ. “Hiển nhiên tôi phải làm lại từ đầu”, Brockman chia sẻ. “Tôi cảm thấy mình vừa hoàn toàn mất đi thể lực của một VĐV chuyên nghiệp”.
Cô khuyên triathlete mắc COVID nên lắng nghe bản thân và tìm ra giải pháp riêng cho bản thân mình. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu tập luyện trở lại. Tùy vào độ nghiêm trọng của bệnh, bạn nên vượt qua cái tôi của một VĐV trước đó và bắt đầu lại từ giai đoạn xây dựng nền tảng. Điều đó có nghĩa là hãy tự nhủ: nếu bạn thấy thành tích hoặc pace của bạn đi xuống sau một quá trình không thể tập luyện đều đặn, đừng quá lo lắng mà hãy bắt đầu tập lại từ từ. Không sớm thì muộn bạn cũng sẽ lấy lại được phong độ hồi trước. Quan trọng hơn hết, bạn cần phải nghỉ ngơi, và chậm lại. “Hãy làm mọi thứ chậm lại một chút. Sự kiên nhẫn là vô cùng cần thiết trong giai đoạn này, và bạn nên tránh việc so sánh thành tích bản thân so với giai đoạn trước COVID”. Kiên nhẫn sẽ giúp bạn quay lại nhanh chóng và mạnh mẽ hơn.